Bài viết

Đại sứ NAR: "Nhà đầu tư BĐS Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn"

Dưới tác động từ Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Ngành BĐS buộc phải có những bước thay đổi để thích ứng với sự suy khoái. Vậy hoạt động thị trường BĐS thế giới đã biến động ra sao và sẽ tác động thế nào đến thị trường Việt Nam?

Với mong muốn có thêm cái nhìn khách quan về thị trường BĐS Việt Nam cũng như học hỏi kinh nghiệm của Mỹ - thị trường có sự thích ứng nhanh với Covid-19, Batdongsan.com.vn đã có buổi chia sẻ với bà Liễu Nguyễn, Đại sứ toàn cầu tại Việt Nam, Indonesia, Campuchia Hiệp Hội môi giới BĐS Mỹ NAR về cách BĐS Mỹ vượt qua khó khăn và những điểm sáng mà nhà môi giới thị trường Việt Nam có thể áp dụng.

- Bà có thể chia sẻ thị trường BĐS Mỹ đã chịu tác động thế nào từ khi làn sóng Covid-19 xuất hiện, và cách thức mà các nhà môi giới và kinh doanh BĐS tại Mỹ thay đổi để thích ứng với đại dịch không?

Là nước chịu thiệt hại nhiều nhất do Covid-19, nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng tại Mỹ đã và vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Trong tháng 3/2020, thời điểm dịch bùng phát mạnh, doanh số bán nhà tại Mỹ đã giảm 8,5%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2015. Một cuộc khảo sát mới đây của NAR cho thấy, 8% trên tổng số hợp đồng mua bán nhà trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2020 bị hủy, gấp đôi tỷ lệ của quý trước đó. Trong số những hợp đồng bị hủy, dịch Covid-19 dường như là một tác nhân chính khi chiếm tỷ lệ tới 22%, gần 40% yếu tố còn lại ít nhiều cũng liên quan đến dịch bệnh.

Trước tình thế khó khăn đó, các doanh nghiệp BĐS Mỹ đã có rất nhiều sự thay đổi để thích ứng, nổi bật trong đó và việc áp dụng công nghệ nhiều hơn và kịp thời vào hoạt động bán hàng. Covid-19 đã mang tốc độ công nghệ hóa ngành BĐS nhanh hơn bao giờ hết. Từ lúc dịch bùng phát, các chủ đầu tư và nhà môi giới BĐS ngay lập tức thay đổi tư duy và cách hành nghề. Nhờ sự nhanh nhạy này mà thị trường không bị đình trệ lại bận rộn hơn trước khi Covid-19 xuất hiện. 

Tôi có thể ví dụ cụ thể như, nhà môi giới Mỹ thay đổi cách vận hành công việc, cập nhật thông tin, kiến thức qua các ứng dụng. Chuyển đổi cách làm việc thích ứng với điều kiện như mang khẩu trang, giữ khoản cách, giới hạn thời gian, số lượng khách xem nhà. Quan trọng nhất là các chủ đầu tư lập tức có những lớp đào tạo cho nhân viên sử dụng nhiều hơn hình ảnh, video tour, 3-D virtual tour cho người mua tương tác qua mạng và giảm thiểu tình trạng trực tiếp đi xem nhà.

- Vậy theo sự nhìn nhận của bà, hiện nay thị trường BĐS tại Mỹ liệu có còn đủ sức hút với nhà đầu tư trong nước nói riêng và quốc tế nói chung, trong đó có cả nhà đầu tư Việt Nam?

Tôi khẳng định thị trường BĐS Mỹ đang có rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Mỹ luôn được nhận định là nền kinh tế an toàn, bền vững và minh bạch. Trong tình hình dịch bệnh, kinh tế Mỹ vẫn phát triển, Chính phủ liên tục tung ra các gói tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chỉ số Dow Jones, NASDAQ vẫn tăng cao. Dự báo về cuối năm kinh tế sẽ phát triển mạnh hơn một khi đã có thuốc ngừa và thuốc chữa bệnh. 

Qua cơn dịch bệnh, một số nhà đầu tư Mỹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và muốn rời cuộc chơi, và đây là một cơ hội để nhà đầu tư mới tìm được sản phẩm BĐS tốt. Trước đây thường rất ít có BĐS thương mại đăng bán, nhất là ở các thị trường tốt nhưng bây giờ thì khác. Thị trường tiêu thụ, nhà ở, văn phòng, kho bãi, khách sạn đã thay đổi. Ví như ngành khách sạn, vì khách du lịch và khách hội nghị giảm, nhiều khách sạn gặp khó khăn trong vấn đề kinh doanh. Nhà đầu tư tại Mỹ đang có xu hướng mua rẻ những khách sạn này và biến chúng thành những khu chung cư cho thuê hoặc căn hộ để bán.

- Nhìn vào sự thay đổi của thị trường BĐS Mỹ, bà có liên hệ gì với tình hình của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay? Liệu Việt Nam có xuất hiện những cơ hội mới cho giới đầu tư nắm bắt như thị trường Mỹ?

Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng với giới đầu tư quốc tế. Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, nguồn lao động cũng như nhu cầu nhà ở dồi dào. Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu tích cực trong việc ngăn chặn thành công dịch bệnh và ổn định và phát triển kinh tế. Điều này giúp kinh tế Việt Nam ít chịu tác động tiêu cực từ dịch và nâng cao hình ảnh của đất nước trong mắt nhà đầu tư ngoại. Đây là lúc các nhà đầu tư quốc tế để mắt nhiều hơn đến thị trường Việt Nam thông qua những thương vụ M&A.

Không chỉ là nguồn vốn ngoại, BĐS còn có thể khai thác được dòng tiền trong nước đến từ nhu cầu mua của chính bản thân người Việt.  Chúng ta hãy nhìn vào tầm nhìn dài hạn, nhu cầu nhà ở cho người dân ở các nước đang phát triền luôn rất lớn, Việt Nam không ngoại lệ. Trong tương lai 3-5 năm tới, với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng dân số, Việt Nam sẽ là thị trường cần một nguồn cung nhà ở lớn để đáp ứng nhu cầu an cư. Cũng như thị trường Mỹ, nhà đầu tư Việt Nam đang tiếp cận với cơ hội sở hữu BĐS tốt giá mềm hơn. Covid-19 khiến nhiều chủ nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc phải bán ra căn nhà mình sở hữu. Đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư mua dự án rẻ và khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn, công ăn việc làm vững chắc, giá nhà nhất định sẽ tăng nhanh.

- Bà nhận định gì về khả năng phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam? So với các cường quốc khác, thị trường mới như Việt Nam có thuận lợi và cần cải thiện gì trong quá trình phục hồi sau dịch?

Theo tôi điều quan trọng là cách nhìn đường xa và định hướng của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong những năm gần đây, Việt Nam rất được khối ngoại quan tâm, điều này cho thấy đây là một thị trường có tính phát triển và dư địa tăng trưởng tốt. Tại sao người nước ngoài có thể thấy được tiềm năng và ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam còn doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước lại bỏ qua? Nhiều khách sạn đang gặp khó khăn ở Đà Nẵng, Nha Trang... tại sao không biến một vài khách sạn thành căn hộ cho thuê, bán, hoặc cho thuê với kế hoạch để mua về sau? Có thể biến một số dự án qua nhà ở hưu trí cho người trong nước với những dịch vụ thật tốt như ở nước ngoài chẳng hạn.

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, nhu cầu nhà ở cho lao động đang ngày một tăng cao. Đừng chỉ nhìn đến thị trường cao cấp, hãy quan tâm đến nhu cầu của người trung lưu và thu nhập thấp. Vì Covid-19 và chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, một số chuỗi cung ứng quốc tế đã và đang chuyển về Việt Nam. Việc này giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người, chắc chắn viễn tưởng phát triển, phục hồi kinh tế sẽ nhanh. Yếu tố cần cải thiện lúc này là phải có những sáng kiến mới thông thoáng hơn trong luật cũng như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

- Từ cách thức vượt khó của môi giới tại Mỹ, bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để môi giới BĐS Việt Nam áp dụng trong tình trạng thị trường khó khăn hiện nay?

Theo tôi nhà môi giới luôn luôn cần ghi nhớ luật 80/20 hay 90/10. 20% những người hành nghề chiếm lĩnh 80% thị phần hoặc 10% chiếm lĩnh 90% thị trường. Điều quan trọng là các bạn muốn thuộc vào nhóm nào, 80% hay 20%;  90% hay 10%?

Nếu các bạn muốn vào 20% hay 10%, thì điều các bạn phải làm là tạo thương hiệu cho riêng mình, sử dụng Social Media Marketing để định vị sản phẩm, thương hiệu cá nhân và tiếp cận khách hàng. Luôn phải tìm cách làm mình khác biệt với những đồng nghiệp khác; biết cách nhận định và hướng đến mục tiêu mình đề ra. Không chỉ là người bán hàng, nhà môi giới phải biết phát triển và định hướng mình trở thành người cố vấn tín cẩn cho khách hàng. Để làm được điều đó, nhà môi giới luôn phải trau dồi kiến thức và học hỏi từ những người thành công ngoài ngành. Ngoài ra cũng nên có những chia sẽ kinh nghiệm, kiên trì trong cách làm việc và tập trung vào mục tiêu.

- Xin cảm ơn bà!

                                                                                                                                                                                                                         Phương Uyên

Nguồn : https://batdongsan.com.vn/phan-tich-nhan-dinh/gia-bat-dong-san-se-tang-tro-lai-sau-covid-19-ar104973

Bài viết cùng chủ đề

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Bất động sản HOT

Bất động sản VIP