Bài viết

Chủ tịch Hải Phòng: 'Xây dựng Thủy Nguyên là thành phố trong thành phố'

Khi huyện Thủy Nguyên nâng cấp thành đô thị, "người dân sẽ được sinh sống, học tập và làm việc trong môi trường chính quyền đô thị hiện đại và chuyên nghiệp hơn".

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nói như trên khi trả lời VnExpress về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên.

- Đâu là cơ sở của chủ trương trên, thưa ông?

- Ngày 24/11, Ban thường vụ Thành ủy đã thông báo chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, để phù hợp với định hướng phát triển của thành phố theo nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành đô thị trước năm 2025.

Nhìn trên bản đồ và trong thực tế, huyện Thủy Nguyên có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, là đầu mối giao thông kết nối giữa Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương, là cửa ngõ ra biển Vịnh Bắc Bộ.

Nơi đây đã được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của TP Hải Phòng, là đô thị trung tâm mới; trung tâm hành chính - chính trị thành phố; trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng. Trong đó, trung tâm hành chính sẽ hoàn thành việc di chuyển từ quận Hồng Bàng sang phía Bắc sông Cấm thuộc huyện Thủy Nguyên trong 5 năm tới.

                                                                    Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Ảnh: CTV

 

 

Những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực quy hoạch phát triển đô thị cho huyện Thủy Nguyên, thực hiện nhiều dự án lớn như: Xây dựng khu đô thị mới Bắc sông Cấm, khu đô thị Minh Đức, Núi Đèo và phần mở rộng, đô thị 2 xã Lưu Kiếm và Quảng Thanh....

Ngoài các yếu tố trên, Thủy Nguyên còn là vùng đất có bề dày lịch sử, với nhiều công trình, di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Đây được xem là tiềm năng để phát triển du lịch gắn với tâm linh trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo.

Khi huyện Thủy Nguyên lên đô thị, mô hình "thành phố trong thành phố" ở Hải Phòng sẽ vận hành như thế nào và người dân được lợi gì, thưa ông?

- Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, mô hình này sẽ vận hành theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật này đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo, đề xuất với Trung ương các cơ chế đặc thù nhằm xây dựng và phát triển TP Hải Phòng, trong đó có cơ chế đặc thù đối với thành phố tại huyện Thủy Nguyên.

Khi huyện Thủy Nguyên được nâng cấp thành đô thị, thành phố sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, hệ thống trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại, các khu dịch vụ, các công trình công ích...

Qua đó, nhân dân sẽ có điều kiện hơn trong việc tiếp cận, sử dụng và hưởng thụ các công trình được đầu tư; được sinh sống, học tập và làm việc trong môi trường của chính quyền đô thị văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp hơn.Tỉnh lộ 359 chạy qua trung tâm huyện

                                                                            Thủy Nguyên nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Chinh

Hải Phòng dự kiến đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối trung tâm đô thị hiện nay và thành phố Thủy Nguyên trong tương lai như thế nào?

Huyện Thủy Nguyên nằm ở vị trí phía Bắc của thành phố và được ngăn cách bởi sông Cấm. Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình như; cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Vũ Yên và tới đây là cầu Nguyễn Trãi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho Thủy Nguyên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo đề án quy hoạch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2050, Hải Phòng xây dựng tuyến đường sắt nối từ ga Nam Đình Vũ qua Thủy Nguyên đến tuyến đường sắt Nam Định- Quảng Ninh; xây dựng đường sắt đô thị ngầm hoặc trên cao kết nối từ trung tâm thành phố sang khu đô thị mới Thủy Nguyên; xây dựng tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch kết nối từ trung tâm thành phố đến các địa danh, di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng, sông Đá Bạc.

Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai xây dựng 2 cây cầu kết nối Thủy Nguyên với 2 tỉnh: Hải Dương và Quảng Ninh. Trong đó, cầu Dinh bắc qua sông Kinh Thầy kết nối với thị xã Kinh Môn (Hải Dương) và cầu Lại Xuân bắc qua sông Đá Bạc kết nối với thị xã Đông Triều (Quảng Ninh)...

- Thời gian qua đất ở khu vực huyện Thủy Nguyên lên "cơn sốt" trước thông tin huyện sẽ lên thành phố. Hải Phòng đang và sẽ giải quyết bài toán này ra sao?

Thị trường bất động sản tại huyện Thủy Nguyên "sốt" từ nhiều năm về trước, không phải đợi đến thời điểm Hải Phòng công bố đề án đưa huyện này lên thành phố. Giá đất ở tại các xã Tân Dương, Thủy Sơn, thị trấn Núi Đèo, Thủy Đường, Phả Lễ cao ngang với giá đất tại một số quận trung tâm, thậm chí có nơi còn cao hơn.

Điều đó càng khẳng định Thủy Nguyên là mảnh đất đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi dự án triển khai, cũng như tránh gây thất thoát về thuế cho nhà nước, cuối năm 2019, thành phố đã điều chỉnh giá đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh, thương mại gần hơn với giá thị trường.

- Hải Phòng dự kiến cần nguồn lực bao nhiêu để triển khai đề án xây dựng thành phố Thủy Nguyên?

Giai đoạn 2016 – 2020 huyện Thủy Nguyên đã được đầu tư hơn 26.690 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công là trên 14.841 tỷ đồng phục vụ cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, các dự án hạ tầng giao thông, chương trình nông thôn mới...

Phần còn lại là nguồn vốn ngoài ngân sách và FDI chiếm khoảng 11.849 tỷ đồng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến thành phố sẽ hướng đầu tư trên địa bàn huyện Thủy Nguyên khoảng 141.399 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công là 33.261 tỷ đồng và nguồn vốn ngoài ngân sách (gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) hơn 108.138 tỷ đồng.

Cầu Hoàng Văn Thụ là một trong 3 cây cầu bắc qua sông Cấm đã được Hải Phòng đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng để kết nối trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Giang Chinh

Vốn đầu tư công sẽ được tập trung cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới và khu kiến trúc Bắc Sông Cấm; các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đối nội và đối ngoại kết nối Thủy Nguyên với trung tâm hành chính cũ và các tỉnh trong vùng như cầu Nguyễn Trãi, cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân, xây dựng nông thôn mới...

Vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tập trung vào các dự án hạ tầng đô thị và công nghiệp, trong đó có một số dự án lớn như: Xây dựng khu đô thị mới Green River tại xã Hoa Động; khu đô thị mới Hoàng Huy New City tại xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên; dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thủy Nguyên; dự án đầu tư hạ tầng các Cụm Công nghiệp Kiền Bái, Kênh Giang, dự án Khu đô thị VSIP Hải Phòng.

- Ông hình dung Hải Phòng nói chung và thành phố Thủy Nguyên nói riêng 10 năm tới sẽ như thế nào?

Tại Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố đã xác định xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang đặc trưng, bản chất riêng của thành phố cảng biển.

Thành phố sẽ đầu tư và hoàn thành các công trình, dự án lớn trong quy hoạch phát triển không gian đô thị theo 3 hướng đột phá.

Hướng Đông Nam, gắn với cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, sẽ tiếp tục đầu tư các khu đô thị sinh thái, hiện đại tầm cỡ quốc tế tại Cát Bà, hoàn thành hệ thống cáp treo 21 km, các khu vui chơi, giải trí hiện đại, khu công nghiệp, dịch vụ logistic, khu đô thị tái định cư nhằm tạo bước đột phá về phát triển đô thị, du lịch biển.

Hướng Bắc, gắn với phát triển hệ thống đô thị hai bờ sông Cấm, đặc biệt tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành Khu trung tâm hành chính - chính trị thành phố, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu giải trí, nghỉ dưỡng đảo Vũ Yên.

Hướng Tây Nam, tập trung phát triển đô thị sinh thái hai bên sông Lạch Tray và Đồ Sơn; ưu tiên đầu tư các trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí, y tế, giáo dục và đào tạo; hoàn thành dự án bãi biển nhân tạo, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; thực hiện quy hoạch lại và hiện đại hóa hạ tầng du lịch tại Khu 1, 2 và 3 Đồ Sơn.

Thành phố tại huyện Thủy Nguyên sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch giải trí, giáo dục vùng duyên hải Bắc Bộ. Do vậy, thành phố tại huyện Thủy Nguyên sẽ là nơi được Hải Phòng quan tâm đầu tư xây dựng, qua đó sẽ là hình ảnh để minh chứng cho sự phát triển toàn diện của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Huyện Thủy Nguyên nằm ở phía Bắc của thành phố Hải Phòng.

Hôm 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Thủ Đức là thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên ở Việt Nam. Nếu được các cấp có thẩm quyền thông qua, Thủy Nguyên sẽ là thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương thứ hai ở Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Bất động sản HOT

Bất động sản VIP